Lịch sử Bắc triều Nam-Bắc_triều_(Trung_Quốc)

Bắc Ngụy hưng khởi và phong trào Hán hóa

Cương vực các nước thời Ngũ Hồ thập lục quốc, khoảng 386-394
  Bắc Ngụy

Bắc Ngụy do bộ tộc Thác Bạt của người Tiên Ti kiến lập, tiền thân là nước Đại. Sau khi Tiền Tần sụp đổ, cháu của Đại vương Thác Bạt Thập Dực KiềnThác Bạt Khuê khởi binh phục quốc, định đô ở Thịnh Lạc năm 386, cải quốc hiệu thành "Ngụy", sử gọi là Bắc Ngụy. Trong thời gian trị vì của Đạo Vũ Đế Thác Bạt Khuê, Minh Nguyên Đế Thác Bạt Tự, Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo, Bắc Ngụy từng bước hùng mạnh. Thác Bạt Khuê và Tiền Yên kết thù, nhiều lần xảy ra chiến tranh, cuối cùng đánh tan quân Hậu Yên trong trận Tham Hợp Pha năm 395. Không lâu sau, Thác Bạt Khuê suất quân công phá thủ đô Hậu Yên, thiên đô đến Bình Thành, năm sau thì xưng đế, tức Đạo Vũ Đế. Đạo Vũ Đế có tính tàn nhẫn, sau bị con là Thác Bạt Thiệu sát hại năm 409. Cùng năm, trưởng tử của Đạo Vũ Đế là Thác Bạt Tự bình loạn kế vị, tức Minh Nguyên Đế. Minh Nguyên Đế chiếm được khu vực Hà Nam của Lưu Tống, song đến năm 423 thì mất, con là Thác Bạt Đảo kế vị, tức Thái Vũ Đế. Thái Vũ Đế cai trị tốt đẹp, quốc lực đại thịnh, đồng thời nhiều lần tiến hành đánh chiếm lãnh thổ của Lưu Tống. Sau khi giải trừ được sự uy hiếp của Nhu Nhiên ở phương bắc, Bắc Ngụy triển khai chiến tranh thống nhất Hoa Bắc. Năm 439, Bắc Ngụy tiêu diệt Bắc Lương, kết thúc thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, cùng Lưu Tống hình thành thế đối lập bắc-nam. Phương bắc đến đây chính thức bước vào thời kỳ Nam Bắc triều, song vẫn còn lại Hậu Cừu Trì, tồn tại đến năm 443 mới bị Bắc Ngụy diệt.

Vào sơ kỳ, việc kiến lập tổ chức và kinh tế quốc gia của Bắc Ngụy đều dựa vào phụ tử Thôi HoànhThôi Hạo. Mặc dù quân lực lên đến đỉnh cao, song phía bắc còn có cường định là Nhu Nhiên, do vậy Bắc Ngụy không thể dốc toàn lực để nam chinh. Sau khi Thái Vũ Đế thống nhất Hoa Bắc, Bắc Ngụy lại diệt Thiện Thiện- một trong ngũ đại cường quốc Tây Vực, khống chế khu vực này. Năm 450, Bắc Ngụy nam chinh Lưu Tống, tiến thẳng đến uy hiếp Qua Bộ, đồng thời tuyên truyền rằng sẽ vượt Trường Giang. Sau đó, Bắc Ngụy bắt 5 vạn hộ rồi đem theo về bắc, đến lúc này quân lực Bắc triều áp đảo Nam triều, song quân lực cũng chịu tổn thất lớn. Năm 445, Cái Ngô cùng bách tính các tộc khởi sự chống lại triều đình Bắc Ngụy, Sau khi Thái Vũ Đế bình định được cuộc nổi dậy này, ông tiến hành đả kích Phật giáo, sự kiện này trở thành một trong "Tam Vũ diệt Phật" của lịch sử Trung Quốc.[21] Đến hậu kỳ, Thái Vũ Đế do áp dụng hình phạt tàn khốc, cuối cùng bị hoạn quan Tông Ái sát hại vào năm 452, loạn Tông Ái đến thời Văn Thành Đế mới được bình định.

Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế tiến hành vận động Hán hóa tộc Tiên Ti

Năm 471, Hiến Văn Đế nhường lại hoàng vị cho con là Thác Bạt Hoành, tức Hiếu Văn Đế, bản thân trở thành Thái thượng hoàng đầu tiên trong lịch sử. Thái thượng hoàng bị mẹ là Phùng thái hậu hạ độc sát hại vào năm 476. Phùng thái hậu nắm giữ quyền hành triều đình, là người đa nghi, đa trí, lạm hình, song lại khiến quốc chính bình ổn.[22] Hiếu Văn Đế có khả năng do chịu ảnh hưởng từ Phùng thái hậu nên ngưỡng mộ văn hóa Hán, cho rằng người Tiên Ti cần phải Hán hóa sâu sắc. Hiếu Văn Đế là người anh minh hiếu học, sau khi thân chính ông cho xây dựng mở rộng kinh đô Bình Thành. Căn cứ vào việc Lạc Dương phồn hoa hơn Bình Thành, về vị trí địa lý có thể khống chế được toàn quốc và dễ dàng phát binh tiến công Giang Nam, có thể thoát khỏi thế lực bảo thủ; Hiếu Văn Đế vào năm 493 lấy danh nghĩa nam chinh Nam Tề, suất chúng nam thiên Lạc Dương.[23] Hiếu Văn Đế sau khi thiên đô thì tiến hành vận động Hán hóa, toàn bộ đều dùng quan chế của người Hán, cấm trang phục và ngôn ngữ Hồ, mở rộng giáo dục, cải họ (trong đó họ Thác Bạt của hoàng tộc cải thành họ Nguyên) đồng thời thông hôn với thế tộc người Hán, cấm chỉ quy táng. Vận động Hán hóa khiến nâng cao tố chất văn hóa của những người Tiên Ti đã dời về nam, mang lại sự phát triển về kinh tế và chính trị cho Bắc Ngụy, song lại khiến quý tộc Tiên Ti vốn có tinh thần thượng võ trở nên xa xỉ và nhu nhược.[24] Sau đó, Hiếu Văn Đế nhiều lần tiến hành nam chinh, quân Nam Tề đều thua trận. Những quý tộc Tiên Ti còn lưu lại vùng biên thùy phương bắc-Lục trấn- không muốn dời về phía nam, dần dần không còn được triều đình Lạc Dương xem trọng và thất thế, nội bộ Bắc Ngụy do vậy phân liệt thành hai đại tập đoàn Hán hóa và Tiên Ti hóa, là một trong những nguyên nhân gây nên khởi nghĩa Lục trấn sau này. Năm 494, Thái tử Nguyên Tuân có ý đồ dời về Bình Thành ở phương bắc, Hiếu Văn Đế sau khi biết được thì phế Thái tử đồng thời ban chết. Phái bảo thủ Mục Thái, Lục Duệ ở Bình Thành tập hợp tiến hành binh biến, Hiếu Văn Đế sau khi trấn áp thì tự thân đi tuần phía bắc để an phủ. Sau khi Hiếu Văn Đế qua đời, Bắc Ngụy bắt đầu suy yếu.

Khởi nghĩa Lục trấn và Bắc Ngụy phân liệt

  Nam Tề
  Bắc Ngụy
  Nhu Nhiên.

Sau khi Hiếu Văn Đế qua đời vào năm 499, Tuyên Vũ Đế kế nhiệm. Hoàng đế ham mê Phật giáo, quốc chính đại loạn, quý tộc ganh đua xa xỉ với nhau. Sau khi Hiếu Minh Đế kế nhiệm năm 515, Hồ thái hậu trở thành người chấp chính. Hồ thái hậu xa xỉ, tư thông với Thanh Hà vương Nguyên Dịch, đồng thời sủng tín Nguyên Xoa, Lưu Đằng. Nguyên Xoa và Lưu Đằng do mâu thuẫn với Nguyên Dịch nên tiến hành chính biến, đồng thời khống chế triều đình. Sau khi Lưu Đằng qua đời, đến năm 525 thì thế lực của Hiếu Minh Đế và Hồ thái hậu bình định được loạn đảng. Tuy nhiên, Hồ thái hậu vẫn như xưa, đồng thời lại xảy ra mâu thuẫn với Hiếu Minh Đế. Sau đó ở phương bắc của Bắc Ngụy xảy ra khởi nghĩa Lục trấn, Bắc Ngụy tiến gần đến chỗ diệt vong.[10]

Ngay từ những năm đầu của Bắc Ngụy, để đối phó với nguy cơ Nhu Nhiên từ phương bắc xâm nhập bắc đô Bình Thành, Bắc Ngụy cho thiết lập ở khu vực Âm Sơn-Hoàng Hà sáu trấn: Ốc Dã, Hoài Sóc, Vũ Xuyên, Phủ Minh, Nhu Huyền, Hoài Hoang ở xung quanh Bình Thành để bảo vệ. Quý tộc Tiên Ti đảm nhiệm làm tướng lĩnh Lục trấn, binh sĩ chủ yếu thuộc tộc Tiên Ti hoặc con em nhà có tiền bạc quyền thế người Hán. Họ được xem là "quốc chi phế phủ", có thể tùy thời mà trở về kinh thành nhậm chức. Tuy nhiên, sau khi triều đình thiên đô đến Lạc Dương, địa vị của Lục trấn giảm xuống. Họ vẫn bảo tồn tập tính Tiên Ti nguyên thủy, bị quý tộc Tiên Ti đã Hán hóa kỳ thị là "Đại Bắc hàn nhân", tướng lĩnh Lục trấn khi được thăng quan lên triều đình thì chịu áp bức, do vậy trong lòng bất mãn. Cuối cùng, vào năm 523, quý tộc và đồn binh phương bắc tiến hành khởi nghĩa Lục trấn; nhân dân các tộc ở Tần Lũng, Quan Đông cũng nối tiếp mà khởi sự.[25] Triều đình Bắc Ngụy phải mất ba năm để bình định, đồng thời hình thành rất nhiều quân phiệt. Trong đó, người trấn thủ Tấn Dương là Nhĩ Chu Vinh có thế lực lớn nhất, từng công diệt Cát Vinh- thế lực mạnh nhất Quan Đông.

Hiếu Minh Đế có ý đồ liên hiệp với Nhĩ Chu Vinh để đối phó với Hồ thái hậu, song bị Hồ thái hậu hạ độc sát hại năm 528. Hồ thái hậu tuyên bố người con gái duy nhất của Hiếu Minh Đế là nam và đưa lên ngôi, sau đó lại tuyên bố đứa bé là nữ và phế bỏ, lập cháu họ là Nguyên Chiêu làm hoàng đế. Cùng năm, Nhĩ Chu Vinh lấy cớ báo thù cho Hiếu Minh Đế, suất quân đánh chiếm Lạc Dương, khống chế triều chính, sử gọi là "sự biến Hà Âm". Nhĩ Chu Vinh cho ném Hồ thái hậu và Ấu Chủ Nguyên Chiêu xuống Hoàng Hà cho chết đuối, sát hại hơn 2000 đại thần, cải lập Hiếu Trang Đế, rồi trở về Tấn Dương song khống chế triều đình từ xa.[26] Hiếu Trang Đế phẫn nộ trước việc bị kẻ khác thao túng, đến năm 530 thì phục kích sát hại Nhĩ Chu Vinh nhân lúc người này vào cung tấn kiến. Sau đó, con Nhĩ Chu Triệu và em họ Nhĩ Chu Thế Long của Nhĩ Chu Vinh tôn Trường Quảng vương Nguyên Diệp làm hoàng đế, tức Tiết Mẫn Đế, sau khi đánh hạ Lạc Dương thì sát hại Hiếu Trang Đế. Cùng năm, quân phiệt Cao Hoan ở Tín Đô tôn Nguyên Lãng làm hoàng đế, đến năm 532 thì Cao Hoan đánh hạ Lạc Dương, lại cải lập Hiếu Vũ Đế.[27]

Hiếu Vũ Đế trước tình thế bị khống chế, có ý đồ liên hiệp với tướng Hạ Bạt Nhạc ở Quan Trung để đối phó với Cao Hoan. Cao Hoan biết trước về sự việc, đến năm 534 thì giết Hạ Bạt Nhạc. Hiếu Vũ Đế lại liên hiệp với Vũ Văn Thái, đoạn tuyệt với Cao Hoan, chạy đến chỗ Vũ Văn Thái. Cao Hoan truy đuổi nhưng không kịp, bèn cải lập Thanh Hà vương thế tử Nguyên Thiện Kiến, tức Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế, thiên đô tới Nghiệp Thành. Năm 535, Hiếu Vũ Đế bị Vũ Văn Thái sát hại, Vũ Văn Thái cải lập Nam Dương vương Nguyên Bảo Cự làm hoàng đế, định đô tại Trường An. Bắc Ngụy phân liệt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy.[27]

Đối lập Đông Ngụy-Tây Ngụy

  Lương
  Đông Ngụy
  Tây Ngụy.
  Thổ Dục Hồn.
  Nhu Nhiên.

Đông Ngụy và Tây Ngụy bề ngoài thì là do hậu duệ của hoàng tộc Thác Bạt kế thừa, song trên thực tế thì tương ứng do Cao Hoan và Vũ Văn Thái khống chế. Do vậy, sau một thời gian sau cũng phân biệt soán ngôi đoạt vị, hình thành nên Bắc TềBắc Chu. Về cơ bản, Đông Ngụy và Tây Ngụy có biên giới là đoạn Hoàng Hà tạo thành ranh giới giữa Sơn TâyThiểm Tây hiện nay. Đông Ngụy kế thừa khá nhiều quốc lực của Bắc Ngụy, do vậy bất luận là về quân lực, kinh tế hoặc văn hóa đều vượt qua Tây Ngụy, nhưng Đông Ngụy nhiều lần tiến công song đều chịu thất bại, thế đối lập hai bên được hình thành.[27]

Đông Ngụy do Cao Hoan khống chế, do lưu dân Lục trấn và thế tộc Hà Bắc Tiên Ti hóa tổ thành, bản thân Cao Hoan là người Hán bị Hồ hóa, về mặt chính trị thì dựa vào tộc Tiên Ti. Sau đó, hoàng đế Bắc Tề đều có ý bảo tồn tập tục Tiên Ti, đề xướng ngôn ngữ Tiên Ti và võ sự.[8] Cao Hoan dùng người xét theo tài năng, trong triều có không ít danh thần đều là bạn của ông, đây là nền tảng kiên cố của Bắc Tề sau này. Tuy nhiên, chiến thuật của Cao Hoan không theo kịp Vũ Văn Thái, do vậy mà ba lần chiến dịch đều thất bại. Năm 536, Cao Hoan suất Đậu Thái và những người khác cùng tây chinh Tây Ngụy, song chiến bại ở Đồng Quan, Đậu Thái tự sát. Năm tiếp theo, Cao Hoan thừa cơ Quan Trung mất mùa đói kém nghiêm trọng, lại suất quân tây chinh, song lại thất bại trước Vũ Văn Thái trong trận Sa Uyển. Đến lúc này, cục thế phân liệt được định, chiến trường chuyển hướng sang khu vực Hà Đông. Năm 546, Cao Hoan lại suất 10 vạn đại quân tây chinh, giao chiến với thủ tướng Vi Hiếu Khoan của Tây Ngụy trong trận Ngọc Bích. Cuối cùng, Cao Hoan chiến bại, hơn 7 vạn lính tử thương, năm sau thì bệnh mất ở Tấn Dương.[chú 6] Sau khi Cao Hoan qua đời, con là Cao Trừng kế vị. Cao Trừng là người bạo lực, gian dâm với thê tử của đại thần, sau bị gia nô sát hại. Cao Dương kế vị, đến năm 550 thì phế sát Hiếu Tĩnh Đế, đồng thời đồ sát hoàng thất Đông Ngụy, Đông Ngụy mất. Cao Trừng kiến quốc Bắc Tề, tức Bắc Tề Văn Tuyên Đế.

Tây Ngụy do Vũ Văn Thái khống chế, bên dưới có "bát trụ quốc" hiệp trợ, đánh bại nhiều lần xâm lăng của Đông Ngụy, củng cố cục thế Tây Ngụy. Đương thời, Tây Ngụy về kinh tế, văn hóa và quân sự không được như Đông Ngụy và Lương, từng bại trước Đông Ngụy trong trận Mang Sơn. Vũ Văn Thái cho thi hành "Lục điều chiếu thư", đặt ra:chính sách "Quan Trung bản vị", khiến tướng lĩnh Hồ Hán đồng tâm hiệp lực, thiết lập phủ binh chế nhằm chia sẻ nhiệm vụ đi lính của nam giới, duy trì tinh thần thượng võ. Những điều này khiến cho quốc lực Tây Ngụy cường thịnh, còn ảnh hưởng đến sự phân bố chế độ và tập đoàn chính trị thời Tùy-Đường.[28] Thừa cơ Lương có loạn Hầu Cảnh, chư vương đấu tranh nội bộ, Vũ Văn Thái trước sau đánh hạ đất Thục và Giang Lăng, đồng thời lập ra nước Tây Lương làm chư hầu. Tây Ngụy còn trải qua các đời quân chủ Phế Đế Nguyên Khâm và Cung Đế Nguyên Khuếch. Năm 556, Vũ Văn Thái qua đời, cháu là Vũ Văn Hộ chuyên chính. Vũ Văn Hộ vào năm sau thì phế Cung Đế, kiến quốc Bắc Chu, lập con của Vũ Văn Thái là Vũ Văn Giác làm hoàng đế, tức Bắc Chu Hiếu Mẫn Đế, Tây Ngụy mất.

Đối lập Bắc Chu-Bắc Tề

Tượng Bồ Tát thời Bắc Tề

Bắc Tề kế thừa cương vực của Đông Ngụy, do Văn Tuyên Đế kiến quốc vào năm 550. Văn Tuyên Đế trước sau đánh bại các tộc Khố Mặc Hề, Khiết Đan, Nhu Nhiên, Sơn Hồ (thuộc Hung Nô), đồng thời đánh hạ khu vực Hoài Nam của Lương. Trên phương diện kinh tế, nông nghiệp, diêm-thiết nghiệp, từ khí nghiệp đều tương đối phát đạt. Bắc Tề gần như tương đồng với Bắc Ngụy, tiếp tục thi hành quân điền chế. Vào sơ kỳ, quốc lực của Bắc Tề vượt qua Bắc Chu và Trần. Tuy nhiên, Văn Tuyên Đế vào hậu kỳ lại hoang dâm tàn bạo, đồng thời giữ gìn che chở cho quý tộc Tiên Ti, đồ sát thế tộc người Hán. Văn Tuyên Đế áp bức nhân dân nặng nề, khiến cho quốc thế Bắc Tề suy lạc. Sau khi Cao Ân kế lập năm 559, do hoàng thúc là Cao Diễn phụ chính, song sang năm sau thì Cao Diễn soán sát đế, đăng cơ trở thành Hiếu Chiêu Đế. Trong thời gian Hiếu Chiêu Đế tại vị, quốc lực dần dần khôi phục như trước, Hoàng đế còn thân chinh Khố Mặc Hề. Tuy nhiên, năm 561 thì Hiếu Chiêu Đế mất, hoàng đệ là Trường Quảng vương Cao Đam/Trạm kế lập, tức Vũ Thành Đế. Vũ Thành Đế là hôn quân háo sắc, quốc lực Bắc Tề đại suy, đến năm 565 thì thiện vị cho Thái tử Cao Vĩ nhỏ tuổi, trở thành Thái thượng hoàng. Trong thời gian Cao Vĩ trị vì, quốc chính Bắc Tề hỗn loạn, Hoàng đế sát hại danh tướng Hộc Luật Quang. Sau đó, Bắc Tề bị Trần chiếm mất Hoài Nam, đến năm 577 thì bị Bắc Chu tiêu diệt.

Bắc Chu kế thừa cương vực Tây Ngụy, do Hiếu Mẫn Đế lập quốc vào năm 556, song triều chính do anh họ là Vũ Văn Hộ nắm giữ. Hiếu Mẫn Đế có ý đồ liên hiệp với Triệu Quý, Độc Cô Tín để lật đổ Vũ Văn Hộ. Tuy nhiên, sự việc bị Vũ Văn Hộ phát hiện, Triệu Quý và Độc Cô Tín bị giết, Hiếu Mẫn Đế bị phế rồi bị sát hại vào năm 557. Vũ Văn Hộ cải lập Vũ Văn Dục làm hoàng đế, tức Chu Minh Đế, song đến năm 560 thì lại hạ độc sát hại Chu Minh Đế, cải lập Vũ Văn Ung làm hoàng đế, tức Vũ Đế. Vũ Đế chọn kế sách ẩn thân, 12 năm sau thì sát hại Vũ Văn Hộ và tự mình nắm quyền cai quản. Vũ Đế là người anh minh oai nghiêm, tiến hành nhiều cải cách trong thời gian nắm quyền, khiến cho quốc lực Bắc Chu càng thịnh.[29] Năm 577, Vũ Đế đông chinh Bắc Tề, năm sau thì tiến vào kinh đô Nghiệp của Bắc Tề. Chu Vũ Đế sau khi thống nhất Hoa Bắc thì nhận được sự quy phục của các thế tộc Quan Đông như Lý Đức Lâm, thanh thế rất lớn. Vũ Đế lập tức nam chinh Trần song cùng năm thì mất.

Triều Tùy kiến lập và thống nhất

Dương Kiên là con của Dương Trung- đại thần khai quốc của Bắc Chu, con gái của Dương Kiên trở thành Thái tử phi của Vũ Văn Uân. Năm 578, Vũ Đế qua đời, Thái tử Vũ Văn Uân kế lập, tức Tuyên Đế. Tuyên Đế là hôn quân hoang dâm, mê tín Phật giáo và Đạo giáo, cùng một thời điểm có đến 5 vị hoàng hậu, đồng thời đoạt thê tử của người khác. Tuyên Đế sát hại tông thất-công thần Vũ Văn Hiến, đồng thời thu hồi đất phong của chư vương, tạo thuận lợi cho Dương Kiên đang muốn soán vị. Dương Kiên ban đầu tập hợp văn võ chư thần trong triều đình Bắc Chu, hình thành một tập đoàn lớn.[30] Trước khi Tuyên Đế qua đời một năm, hoàng vị Bắc Chu được trao cho Thái tử Vũ Văn Xiển, tức Tĩnh Đế, ngoại thích Dương Kiên chuyên chính. Uất Trì Huýnh, Tư Mã Tiêu Nan bất mãn trước việc Dương Kiên chuyên quyền nên khởi sự phản Dương. Dương Kiên làm theo kế hoạch của Lý Đức Lâm, cho Vi Hiếu Khoan và những người khác đem quân đi bình định. Năm 581, Dương Kiên soán vị, tức Tùy Văn Đế, kiến quốc Tùy, cải nguyên Khai Hoàng, Bắc Chu mất. Năm 587, Tùy Văn Đế phế Tây Lương Hậu Chủ Tiêu Tông, Tây Lương mất. Năm 588, Tùy Văn Đế phát động chiến tranh diệt Trần, cho Dương Quảng làm chủ tướng, cùng các danh tướng như Hạ Nhược BậtHàn Cầm Hổ phát binh đánh Trần. Năm sau, quân Tùy đánh chiếm kinh đô Kiến Khang của Trần, Trần mất, Trung Quốc lại một lần nữa thống nhất.